Cách đơn giản giúp trẻ nhanh biết bơi
Theo đó, đầu tiên cần dạy trẻ nín thở và giữ bình tĩnh khi ở dưới nước – kỹ thuật hít thở rất quan trọng cho người mới học bơi. Dạy trẻ hít vào thật nhanh bằng miệng, rồi thở ra từ từ bằng mũi. Nếu có thể nên rủ thêm vài của trẻ cùng học bơi lấy thêm động lực, hứng thú cho trẻ. Có thể dùng miếng bọt biển, khăn tắm bóp nhẹ trên đầu con để nước (không có xà phòng) chảy xuống trán, mắt và giúp trẻ quen khi có nước.
Theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, bố mẹ không biết bơi nhưng có thể cùng con tập động tác bơi trên cạn, học thở dưới nước bằng các trò chơi dễ thực hiện như thổi bong bóng, phun mưa… để giúp con làm quen với nước. Hàng ngày bố mẹ vốc nước cùng con rửa mặt; nhỏ thuốc mắt (nước cất, nước muối sinh lý), dùng tay ướt chải tóc, tắm vòi sen, dùng mồm lấy khăn trong chậu nước; chơi vầy té nước, nằm ngửa trong bồn tắm, bể bơi mini (mức nước ngang tai). Hay để dạy trẻ cách thở dưới nước (thở vào bằng miệng, thở ra bằng mũi), hướng dẫn con chơi các trò chơi như phun mưa với cốc nước, thổi bong bóng với các loại ống hút, tập thở với chậu nước (trong tư thế ngồi, nằm sấp)…
Theo nhiều chuyên gia dạy bơi, để trẻ làm quen với nước có có nhiều cách, nhưng trước tiên hãy giúp trẻ vui chơi với nước bằng cách đặt đồ chơi trẻ thích vào bồn tắm, chậu tắm (vịt nhựa, bóng nổi, bình nước…), làm sân chơi thú vị cho trẻ. Quá trình vui chơi với nước có thể bày thêm các trò sau:
– Hãy làm ướt tay rồi dùng tay che mặt, rồi đột ngột mở tay ra (như chơi ú òa) để trẻ bất ngờ và vui vẻ bắt chước cùng gương mặt ướt nước.
– Hoặc chạm môi vào nước thổi bong bóng bằng miệng, rồi bằng mũi để tạo cho trẻ sự thích thú bắt trước, như thế trẻ tập thở với nước tốt hơn. Hoặc chơi “trò thổi nến”, bằng cách lấy một ngón tay như ngọn nến, bảo trẻ thổi để “ước”. Ngón tay di chuyển dần tới gần nước, rồi nhấn xuống dưới nước cho bé thổi ra bong bóng để phát triển kỹ năng thở dưới nước khi học bơi.
Dạy trẻ nín thở dưới nước bằng cách úp mặt vào nước, ngậm miệng và ngừng thở để nước không vào mũi, cố gắng duy trì càng lâu càng tốt.
Nguyên tắc đầu tiên bố mẹ cần nhớ là giúp trẻ luyện tập “2 không” là không sợ bị dội nước vào đầu, không sợ cảm giác bồng bềnh trong nước. Chú ý quan sát xem trẻ có thích ngâm mình trong nước không, nếu trẻ vẫn sợ, la hét, thì bố mẹ tiếp tục chơi đùa với con trong nước, tới khi trẻ thích nước thì hãy đưa ra bể bơi và chớ quên sắm phao bơi, kính bơi để hạn chế nước vào mắt, với bé gái sắm thêm mũ bơi, nút bịt tai…
Đưa trẻ ra bể bơi
Lần đầu ra bể bơi, để trẻ bớt sợ hãi, hãy đưa trẻ đi cùng gia đình và để trẻ ở trên bờ quan sát mọi người. Dần dà cho chân trẻ nhúng xuống nước, đi xuống chỗ nước nông nhất (mực nước an toàn từ 0,6 đến 1m), có thể cắp trẻ vào nách, hoặc giữ trẻ một tay dưới mông, và tay kia quanh lưng vừa đi bộ trong nước vừa trò chuyện, hát hò với trẻ các bài hát trẻ con – đó là “trò đi xe” trong học bơi. Khi trẻ dạn nước mới đặt trẻ xuống lòng bể và di chuyển chậm cùng trẻ, dạy trẻ đá nước, vẩy nước để vui mà quên nỗi sợ nước. Khi trẻ dạn nước rồi, thì cho trẻ đứng bám vào thành bể bơi và tập đi. Bố mẹ ở phía sau động viên, hỗ trợ con và từ từ buông tay để trẻ tự đi.
Tiếp đó hướng dẫn trẻ trò “Nói chuyện với cá”, dạy trẻ bắt chước những chú cá, úp mặt xuống nước và thổi ra bong bóng. Dần dà dạy trẻ ngụp xuống cho tai ngập nước, rồi xoay trái, xoay phải để “tìm cá” – giúp trẻ tập thở dưới nước và việc học bơi trở nên dễ dàng hơn.Bố mẹ hãy luôn bên trẻ những ngày đầu học bơi để trẻ yên tâm, tự tin, cần tập luyện kiên trì, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, an toàn. Học bơi là học mà chơi, dạy ít dỗ nhiều, mỗi trẻ mỗi khác nên bố mẹ đừng nôn nóng, tạo áp lực hay so sánh trẻ này với trẻ khác vì có thể phản tác dụng, khiến trẻ sợ bơi.
Chỉ cần trang bị kiến thức và thực sự dành thời gian cho con học bơi trên cạn, kết hợp luyện tập dưới nước, học những kiểu bơi dễ như bơi chó, thả nổi ngửa và bơi tự cứu… Cả nhà cùng học tốt trên cạn rồi mới xuống nước thì việc học bơi sẽ ít tốn kém, chủ động thời gian, tăng sự tương tác giữa thành viên… và cả nhà cùng biết bơi.
Bố mẹ cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn cho trẻ xuống nước:
– Luôn ở cạnh bé khi tập bơi (trên cạn, dưới nước), mỗi bố/mẹ chỉ tập cho một trẻ. Tuân thủ quy định của bể bơi, nơi tập.
– Không tập bơi khi trời lạnh, dông bão. Trời quá nắng nên tập ở nơi có bóng râm. Không tập bơi khi trẻ ốm (cảm, ho, sốt…). Không xuống nước khi trẻ vừa ăn no.
– Giúp trẻ khởi động tốt, uống đủ nước trước khi tới bể bơi. Chọn bể bơi nước sạch.
– Thời gian xuống nước tối đa 30-45 phút/lần (tùy tuổi). Ủ ấm khi lên bờ, tránh gió lùa. Tắm tráng cẩn thận, thay quần áo sạch, khô. Sấy tóc, thấm tai, nhỏ nước muối vào mắt, mũi, họng.